Bức tâm thư đầu năm




Bức thư đầu năm: Ước nguyện người xưa (Mùng 2 tết, năm Mậu Tuất)
 “Đường thế mịt mù trăm năm đầy tội, Cửa thiền thanh tịnh muôn kiếp nên duyên” - VANSARAKKHITA MAHĀTHERA *


 Xin chào, Cô thế nào rồi...! CÔ ÚT THÂN THƯƠNG


 Thời gian trôi qua thật nhanh, Những lời ta nói ra cũng thật nhanh. Và rồi, ta cũng quên đi lời nói ấy thật nhanh. Phải chăng, mọi thứ quá nhanh khiến ta không kịp nhìn lại - chậm lại?

 Có thể, đối với con thì từng khắc giây tại đây điều là hoàn toàn mới điều đáng vui mừng chứ không phải chờ đến hết một năm mới gọi là mới, là vui mừng. Nhân dịp mọi người chào đón năm mới theo tục lệ Xứ Việt thì con cũng có vài ước nguyện đến người. Mặc dù con không gặp người nhưng lòng con mãi nghĩ đến người. Mong rằng mọi điều tốt lành sẽ đến bên Cô và điều tốt lành cũng từ Cô sẽ lang tỏa đến mọi nơi cần đến.


 Sống trong đời sống, cần có 1 tấm lòng. Để làm gì người biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi.
 "Thắp lên ngọn lửa hồng
 Ấm áp cả trời đông
 Giữa cõi đời lạnh lẽo
 Cần nhau một tấm lòng." - Ts.MN


Một năm trôi qua, nghĩa là mình tiến đến gần hơn cái chết, đây là sự thật phải chấp nhận không phải điều kiêng kỵ. Đây là dịp để chúng ta phải "giật mình" và xem lại bản thân mình, rằng việc thực tập giáo pháp như thế nào rồi? Có tiến bộ hơn không? Hay là vẫn dậm chân tại chỗ hoặc thẩm chí còn thụt lùi lại. Sự thực tập có khiến mình "dễ thương, mát mẻ và thoải mái" hơn không? Hay là vẫn "khó chịu, nóng nảy và không dễ thương"? Mình có nhận ra được thực tướng của thế gian chưa? Hay là vẫn nhìn thế gian bằng cặp mắt định kiến-khái niệm?. Điều này là do chúng ta cả.

Mùa xuân của những năm về trước chúng ta vẫn ở bên cạnh nhau nhưng mùa xuân của vài năm nay đã cách xa và chuyện chúng ta cách xa thân mạng nhân gian là chuyện sớm hay muộn thôi, phải không Cô.

 Con muốn trao đi. Trao cho Cô thật nhiều những điều con có, nhận hay không thì vẫn được trao - một tấm lòng trao đi!. con mãi nhớ và tự nhắc nhở chính bản thân rằng: "Ta chỉ cho người khác được những thứ mà ta đang có". Nhưng những điều ta muốn người khác có mà ta không có để cho thì ta chỉ có thể ước nguyện thôi. Ước nguyện khác hẳn với cầu xin. Ước nguyện từ những điều thiện lành của mình chứ không phải cầu xin ban phước mà không có những việc thiện lành. Vì luật nhân-quả công bằng.

 Ước nguyện Cô hãy sống đơn giản. Ráng giữ trọn 5 giới. Thiểu dục tri túc cho quen dần rồi đến giữ 8 giới. Nơi đó rất tiện cho việc tu hành, không có vướng bận gia đình. Hãy nhớ những lời Cô đã tâm sự cùng con khi xưa nhờ những lời đó mà phần nào giúp con có nhiều thay đổi như hôm nay. Cảm ơn Cô rất nhiều và con luôn tôn trọng.

 Ngoài việc phước thiện đang làm thì thêm bố thí và hành thiền. Đừng mong cầu phước hữu lậu làm chi. Nếu nhân lành thì kết quả lành, không cần phải mong đợi. Xét cho cùng hữu lậu đó vẫn còn khổ đau thôi. Vì cái gì liên quan đến ước muốn tái sanh điều là khổ cả, đừng nghĩ rằng mình làm là tích lũy cho kiếp sau đó không phải mục đích cuối cùng của Đạo Phật. Cứ làm việc cần làm và buông chuyện cần buông. Vậy đi, đừng mong cầu làm chi. Nhân duyên quả mà!. Nhiều cái mình mong muốn nhưng nó không diễn ra như ý thì tự nhiên nó khổ vậy đó. Hãy sống thuận pháp đừng cố khiến mọi thứ thuận theo mình. Mong Cô nghĩ kỹ điều này, còn tái sanh là còn khổ, có thân ngũ uẩn là phải chịu khổ.

 Tập theo dõi thân tâm cho quen dần. Chuyên tâm niệm Phật đừng niệm chúng sanh hoài. Bớt gánh-lo chuyện thiên hạ. Mình nói mình niệm Phật nhưng không khéo tâm mình niệm chúng sanh đó. Hãy trở vào trong thân tâm đừng phóng tâm theo ngoại cảnh. Tự tánh mình là trong sáng là trí tuệ đừng mong đợi sự cứu rỗi từ bên ngoài.

 Bỏ qua những chuyện quá khứ, nghĩa là đừng quá chấp chuyện đó, bỏ đi. Tha đi!. Hãy sống với hiện tại đừng để quá khứ chi phối hiện tại. Mọi thứ vô thường vô ngã mà. Lúc đó ai đúng ai sai thì cũng là pháp, không phải của ta, không phải của họ, mọi điều phải chịu sự thay đổi vô thường. Chúng ta chỉ quan sát thôi. Mọi người thường nói tôi an lạc hay tôi sống tự tại thì phải thực sự an lạc tự tại chứ đừng nói suông, nói ùa như con vẹt. Giữa bao điều thắng-thua, được-mất, thuận-nghịch...vv thì tâm mình phải tự tại không bị chúng chi phối. Bổn phận mình chỉ vậy thôi, phải tập dần dần thôi. Chúng ta không phải thánh nhân nhưng chúng ta là những người đang đi theo con đường của thánh nhân để hoàn thiện bản thân sống thuận theo pháp.

 Sống có tâm từ một tí. Có trí tuệ một tí. Hòa hợp hơn. Đừng ôm lấy hận thù làm chi. Khổ lắm. Tập tánh biết lắng nghe và quan sát, không phải lúc nào mình cũng đúng. Phải biết tuỳ thuận. Khéo léo thân thiện hơn mới được chứ chỉ biết riêng cá nhân mình là không được. Mình là người Phật tử phải giữ chữ Lục Hòa... Cô nhớ điều này mà, phải hành thôi! Bà Tám và Cô H. khoái bài thơ Lục Hòa này lắm nhưng họ đâu hiểu gì đâu, phải không?. Hồi đó Cô nói với con photocopy ra nhiều bản thơ Lục Hòa cho mọi người đọc và con có ý định giải nghĩa ra cho rõ hơn nhưng không có cơ hội.

Phải có tình nghĩa một tí, một tí nữa. Mọi người lánh xa mình bởi có lý do đó, không phải tự nhiên mà họ lánh xa mình đâu. Tự suy xét lại hành động của mình. Nhiều khi mình thấy đúng, nhưng đối với người khác nó không đúng bởi vì góc độ định kiến nó khác nhau. Nhiều người từ từ rời xa hết rồi đó, toàn là người thân quen với nhau mà còn vậy. Hãy giật mình vì điều này vì Cô thật sự có vấn đề. Và hãy thực sự quý mến và quan tâm những ai đang hết lòng vì mình, quan tâm mình chính họ là những người giúp ta hoàn thiện hơn. Đừng quá tự cao, tự ái mà phủ bỏ tất cả!.

Có thể, những người gọi là "thí chủ hay nhà hảo tâm" đến với người hiện tại có thể giúp cho người và giáo hội có xe cộ, tiền bạc hay những vật chất khác...vv Nhưng người hãy biết rằng: Những người đó họ chỉ đến với Cô một thời gian nào đó thôi; họ chỉ bung tiền ra cho Cô và giáo hội mua một vài phương tiện cần thiết và thế là xong! Họ không hề ở lại với Cô. Còn những người trong "một hội" ngày xưa là họ giúp đỡ Cô và giáo hội bằng cả tấm lòng chân thành; một sự nhiệt tình, họ đã dùng thời gian và công sức; những giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu đã đổ ra để giúp người và giáo hội thực hiện những công việc là điều thường xuyên. Tất nhiên, con không muốn nói họ làm là vì ai, vì điều gì! Nhưng điều đó là thật sự trân quý, mỗi khi con nghĩ đến thì con cảm thấy rất biết ơn họ. Sống ở đời hay sống theo đạo thì phải biết bình đẳng, phải biết ứng xử không thiên vị. Đối với con, vật chất không thể nào bằng tình cảm. Nếu mình chỉ nắm bắt vật chất mà không để ý đến tình cảm thì đó là một điều đáng tiếc. Tình cảm ở đây là sự bình đẳng thương yêu tha thứ và sự quan tâm đúng mức; thấu hiểu chu đáo. Dù sao đi nữa thì "một đội" ngày xưa hầu như đã tan rã, nguyên nhân vì sao? Cô biết mà. Đừng đổ lỗi cho ai cả. con chỉ nhắc lại cho người nghĩ lại mọi chuyện, chứ con không còn phận sự gì để nói nữa. Với tâm từ đến mọi người, con ước nguyện mọi người điều vui khỏe.

Hãy sống hài hòa, hòa thuận với người khác với mọi vật đó là mục đích sống. Muốn sống hài hòa với người khác thì chúng ta phải bỏ tính kiêu ngạo tự ái, đừng cho mình là luôn quan trọng hơn cả, nếu người không vứt bỏ được sự yêu-ghét thì không thể nào gọi là tu hành tinh tấn. Không vứt bỏ được thì Cô không thể nào thực sự bình an. Chúng ta lạy Phật thì chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của việc lạy Phật chúng ta cần cung kính tất cả và buông bỏ cái ta. Mình phải y chỉ theo sự thật mới không phạm phải điều phiền toái. Làm theo nhân lành thì quả sẽ lành thôi. Đừng quá chấp đúng sai...!. Nhiều góc khuất mình không thấy được đâu, nhiều cái trở trơ trước mắt vậy đó nhưng không hẳn là sự thật đâu.

 Hãy hoan hỉ việc làm của người khác đối với mình, dù là nhỏ hay lớn. Có vậy, mới giúp họ có tâm hơn. Đừng làm người khác nản lòng vì sự không khéo của mình. Hãy thầm cảm ơn thật chân thành và nở một nụ cười thân thiện dù đó là một điều nhỏ nhặt nhất. Đó là phước thiện đó.

 Giúp được ai thì cứ giúp. Họ có ước mơ giống mình thì tại sao không giúp họ để họ đủ duyên thực hiện ước mơ, đừng vì chút hiểu lầm mà chặn lại ước mơ của họ. Hãy đặt vị trí của mình vào vị trí của họ mà suy nghĩ. Tội nghiệp họ lắm Cô ơi! Hãy nhớ lại những tâm sự chân thành khi xưa.

 Có một vài chuyện này Cô hơi chấp lầm, nay con chỉ chia sẻ ngắn gọn thôi. Với tâm từ mong Cô hiểu:
 - Chuyện phóng sanh, người tuyệt đối không được đặt hàng trước dù con gì, ở đâu cũng vậy. Nếu người đặt hàng trước thì vô tình người đã - đang và sẽ gián tiếp khiến cho những con vật ấy bị săn bắt để bán cho người (Người thấy người ta bắt những con chim rồi đó, rất tội nghiệp. Tội nghiệp người bắt và vật bắt). Như vậy là cả người bán và người đặt mua điều có tội; Cô cũng tạo điều kiện khiến cho người bán tiếp tục làm nghề bất thiện đó. Tốt nhất, chỉ phóng sanh những con vật Cô vô tình "có duyên" gặp phải khi chúng bị bắt bán ngoài đường, trong chợ sắp bị giết hay chuẩn bị bán vào nhà hàng, quán ăn để chế biến món ăn hoặc khi con vật ấy gặp nạn, bị thương.vv Rồi khi đi phóng sanh thì hãy thả những con vật đó trước rồi muốn tụng kinh trì chú niệm Phật thì làm, nên tìm chỗ thích hợp cho sự sống của chúng rồi thả. Đừng nhốt nó đợi mình làm nghi lễ rồi mới thả thì khổ cho nó lắm, thả nó càng sớm càng tốt, đừng nhốt nó chờ đến ngày đến giờ mới thả. Thả nó trước đi rồi hồi hướng, ước nguyện sau đừng sợ phước chạy; Cô nên làm một cách âm thầm, không khoe khoang phải; nhớ là phải tìm nơi thích hợp để phóng sanh. Cô phóng sanh thì phải hiểu ý nghĩa của nó, không được phóng sanh vì phong trào cầu phước báo. Phóng sanh không hẳn là mình mua rồi thả mà hằng ngày hằng thời mình điều có cơ hội phóng sanh, ví như mình bị con kiến, muỗi, ruồi...vv bu cắn nếu bình thường theo thói quen là mình đánh nó nhưng biết đạo rồi mình để tâm tỉnh thức một tí mình không đánh nó mà chỉ thổi nhẹ hay đuổi nó đi thôi. con chứng kiến cảnh Cô S.N đập chết và bẻ tay bẻ chân con muỗi con thương tiếc lắm như thì ăn chay niệm Phật để làm gì chứ? Cô nói đi! Mình chỉ ăn chay niệm Phật mà không để ý việc này thì rất nguy hiểm, phải không? (Cái ăn thì đói mới ăn, nó đơn thuần là ăn trị đói thôi; Cái niệm Phật thì chỉ là cái miệng mình niệm hồng danh Phật thôi, chứ mình tưởng nhớ Phật và thực hành theo lời Phật dạy được hay không? Mới đáng lưu tâm). Mình tính sát sanh hay vô tình sát sanh nhưng mình nghĩ lại đó là bất thiện, thiếu tỉnh thức nên mình tránh sát sanh mình thận trọng quan sát hơn như vậy là phóng sanh, đó là giữ giới (trong hoàn cảnh mình buộc phải sát sanh nhưng mình không sát sanh thì đó chính là giữ giới. Đối với trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống các chất gây say nghiện cũng tương tự như vậy!). Cái phóng sanh con vật là thể hiện lòng từ bi "Đức hiếu sanh" của mình đối với con vật chứ không vì phước báu mới làm. Nếu như mọi người, đợi có phước báo, rồi đợi đến ngày Rằm hay 30 mới phóng sanh thì đó là việc làm của người ích kỷ và si mê chứ không phải vì lòng từ bi có trí tuệ. Cô nên suy tư điều này thật kĩ càng. Còn một kiểu phóng sanh cao thượng hơn mà ít người để ý đó là phóng sanh "buông bỏ" những tâm sở giận hờn, trách móc, hơn thua, được mất, danh lợi, đố kỵ, si tín, nghi hoặc... nói chung là phóng bỏ dần dần những tâm tham - sân - si (ly ác pháp). Có tập dần cách phóng sanh như vậy mới khiến mình "dễ thương hơn - trí tuệ hơn" vậy. Đó là cả một quá trình để thực tập nhưng quá trình hay phương pháp nào cũng vậy cái quan trọng là nhận thức và hành vi đúng đắn ở khoảng khắc hiện tại, ngay tại đây chứ không phải là chuyện của tương lai hay ở một cõi nào khác...


 - Cô và mọi người thường nói mình tu là mình giúp Cửu huyền thất tổ được sanh thiên hay giải thoát, mọi người thường dùng từ "độ". Điều này thì không hoàn toàn đúng và cũng không hoàn toàn sai. Câu này đúng một nửa. Nửa đúng là do Cửu huyền thất tổ ảnh hưởng trí tuệ và đức độ của vị chứng quả mà biết tu hành theo nên sanh thiên nếu mình tu hành đúng đắn thì mới khiến người khác noi gương mình được, còn như mình tu mà còn một đống tật xấu, một cục tham - sân - si to đùng không giảm chút nào thì có ai mà theo mình mà nếu có ảnh hưởng thì chỉ ảnh hưởng cái xấu xa của mình thôi; giống như câu "gần mực thì đen - gần đèn thì sáng" vậy. Còn nửa sai là không phải ai trong cửu huyền thất tổ cũng được sanh thiên mà chỉ ai được ảnh hưởng tốt mới có thể sinh thiên. Bởi vì Phật nói tất cả chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có ưu và có liệt. Không phải một mình ên mình tu rồi tự nhiên độ được tất cả những người không tu đâu, đó là phi pháp và phi nhân quả.

 - Với điều này hay gặp nữa. Cô đừng tin có vong nhập hay vong linh, linh hồn. Thật sự thì KHÔNG CÓ LINH HỒN. Cái này không riêng con nói mà Chư Phật điều nói như vậy. con chỉ thấy đúng như chư Phật nói thôi, mong Cô tuệ tri. Cái mà người ta nói là ma thì đó chỉ là ngã quỷ vừa mới đào thai là một dạng chúng sanh thôi. Tất cả hoạt động của Vũ trụ này hay chúng sanh điều là một chuỗi Danh - Sắc sanh diệt liên tục, cực nhanh theo quy trình tự nhiên không tồn tại một cái Ngã (chủ thể) nào. Cô cũng thừa biết thân này gồm đất - nước - gió - lửa và cộng thêm với cảm thọ, tư tưởng, hành động của thân - miệng - ý, mấy cái này gọi chung là Danh và Sắc. Người chết đi rồi thì mấy cái này diệt hết chỉ có "nghiệp" mang theo thôi. Nên không có cái gì gọi là linh hồn đi đào thai, hay giải thoát Linh hồn mắc kẹt hoặc vong hồn nhập vào trong thể xác người khác đâu. Đối với trường hợp của Cô D.N thì đó chỉ là một triệu chứng trầm cảm nặng hoặc rối loạn nhân cách do bị tác động quá lớn vào tâm lý khi Ba của D.N qua đời thôi chứ không phải vong nhập (Cho Cô ấy chuyên tâm niệm Phật và sống giao lưu với mọi người đừng tự cách ly bản thân thì sẽ giảm thôi. Nếu muốn hết nhanh hơn thì hành thiền là một lối sống hiệu quả nhất). Bản thân con cũng bị như vậy mà nhẹ hơn thôi!. Cho nên đừng làm những chuyện tuyển vong đuổi vong làm chi. Những phương pháp tế lễ như vậy trong thời Thế Tôn còn tại thế đều bị ngài bác bỏ. Nhưng sau này người Phật tử không biết lại du nhập phương thức như cúng sao giải hạn thì đó ảnh hưởng bởi Đạo LÃO. Cúng tế như cúng hoả, cúng thuỷ cho chư thần và cầu an, cầu siêu thuộc Bà La Môn. Hãy gặp hoặc nghe lời của các bậc có phạm hạnh sẽ rõ.

- Cô đừng tin sẽ có Phật hay Bồ-tát (Bồ-tát theo quan điểm Bắc tông) tái sanh "thị hiện" để độ chúng sanh. Đây là một điều hiểu lầm hoặc gán ghép một cách vô lý và vô cùng thiếu trí tuệ. Đã xóa đi đạo - quả của các Ngài bằng tư tưởng phàm phu đầy tà kiến-vô minh. Hãy nhớ và biết rằng một người bình thường khi tu tập từ thánh đạo thành thánh quả là trở thành A-la-hán. Nếu một chúng sanh chưa đạt quả vị mà chấm dứt kiếp sống này thì lập tức sẽ tái sanh để tiếp tục kiếp sống khác. Nhưng nếu một vị Phật hay A-la-hán "qua đời/thân hoại mạng chung/chết/Niết bàn" thì sẽ không còn tái sanh lại nữa, danh sắc, ngũ uẩn hoàn toàn diệt mất, là chứng quả vô sanh. Có nghĩa là khi vị Phật hay A-la-hán đó Niết bàn thì không còn tái tục lại cõi đời này nữa. Mục đích tu tập của Đạo Phật là Niết bàn là để không còn danh sắc, không còn ngũ uẩn, không còn tái sanh nữa. Vì khi ta còn danh sắc hay còn ngũ uẩn là còn khổ. Chúng sanh có mặt trên đời này thì không thoát khỏi sanh - già - bệnh - chết nên phải khổ. Có thể hình dung rằng khi chưa Niết bàn là còn ngũ uẩn khi Niết bàn là bỏ ngũ uẩn để đạt trạng thái không có ngũ uẩn. Giữa việc có ngũ uẩn đến việc không có ngũ uẩn như con đường một chiều, ta không thể đi chiều ngược lại từ việc không có ngũ uẩn để có ngũ uẩn. Trong kinh tạng ghi lại lời Phật dạy khi một vị chứng quả A-la-hán thường biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Cô hãy nhớ rằng điều này Vị ấy biết rõ rằng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Do đó, các vị A-la-hán hay các vị Phật khi Niết bàn rồi thì không còn thị hiện giữa chúng sanh. Nếu nói có ai "thị hiện-tái sanh" để hóa độ chúng sanh thì họ cũng là một dạng chúng sanh như chúng ta họ đang trên đạo lộ dung bồi Ba-la-mật chứ họ chưa đắt được đạo-quả. Hãy tự mình nương tựa chính mình đừng nương tựa ai khác.

  
- Chuyện này hơi quan trọng đối với người bình thường như chúng ta để loại bỏ tánh tự cao, tự đại ỷ lại pháp tu của mình: có thể không có pháp Đại thừa, trung thừa hay tiểu thừa. Mà nếu có thì cái chuyện mình chỉ trì chú, đọc kinh, lạy Phật mà không hiểu lý sự gì cả thì là tiểu thừa. Hiểu được kinh điển, thấy ra sự thật là trung thừa. Thực hành được đạo - quả điều mình biết và thấy là đại thừa vậy. Nhiều người họ nói họ đọc kinh đại thừa nhưng thật ra họ đọc như con vẹt và lập luận uốn lượn như con lương thôi. Cái điều đó trên lý thuyết tư tưởng thì nó làm mình tưởng rằng chí lý nhưng thật ra đâu phải là vậy, họ nói họ phá chấp nhưng thật ra họ quá chấp đó. Họ có thực sự sống được như vậy không? Hay chỉ là nói láo vọng ngữ, vọng tưởng?. (đọc chánh kinh Phạm võng thuộc Trường bộ kinh sẽ rõ). Mà cũng kệ đi, dù mình nói mình gặp chánh pháp nhưng mình chỉ đọc tụng hay tôn sùng mà không thật hiểu, thật hành thì đó cũng chưa có gì đáng để hân hoan và khoe khoang cả. con cũng ngại nói ra điều này lắm, vì sự thực tập của con chưa có gì đáng để nói cả.

 - Dù mình tu theo pháp môn nào chăng nữa thì việc cốt lõi là buông xả hoàn toàn không bám víu, chấp trước và ảo tưởng bất cứ điều gì cả. Mình muốn có tình yêu thương chúng sanh thì trước tiên mình phải biết yêu thương chính bản thân mình. Không phải yêu thương bằng cách lợi dưỡng mà yêu thương bằng cách thực tập thanh lọc thân tâm. Trước tiên mình phải biết khổ thế nào? Nguyên nhân khiến cho mình khổ sau đó mới quan sát nó. Khổ nào cũng vậy điều xuất phát từ vô minh: tham - sân - si. Mình phải biết rõ tác hại của tham - sân - si và biết rõ lợi lạc của việc không tham - không sân - không si hoặc ít tham - ít sân - ít si. Khi mình biết rõ hai điều này thì mình mới nguyện mà có động lực để thực hành sống thuận theo pháp. Mình xả tâm tham bằng cách bố thí tập tánh trao đi, cái gì cũng vậy nó vô thường không phải của ta, ta không thể nắm giữ chúng mãi. Mình giữ gìn cho trọn vẹn để không bị hối tiếc tội lỗi và ban rãi tâm từ đến mọi thứ để xả đi tâm sân. Mình phải thường xuyên nghe thuyết pháp về lợi lạc của việc không và ít tham - sân - si; mỗi khi rảnh rỗi thì hãy thường xuyên ngồi một mình giữ thân tâm yên lặng, tạm thời buông xả mọi điều khiến mình vướng bận, hãy thông thả nghỉ ngơi, cảm giác toàn thân và quan sát tâm mình nó thế nào thì thấy và biết như vậy, đừng cố tạo tác dụng công gì cả. Làm như vậy thì tâm si mê của mình sẽ giảm dần và trí tuệ sẽ từ từ nhờ duyên này mà tự phát triển. Chúng ta đều cắt đi móng tay dài và dơ bẩn vì chúng không cần thiết và khiến thân ta không trong sạch vậy tại sao chúng ta không cắt bỏ những thứ xấu xa không cần thiết và bất thiện để thân tâm ta trong sáng lành mạnh hơn. Đừng nghĩ rằng việc thiện nhỏ mà không làm, việc ác nhỏ rồi phạm đó là nguồn đại hoạ khiến chúng ta phải chịu sự lưu chuyển luân hồi vô tận không ngừng nghỉ. Chúng ta phải một lần nữa "giật mình" vì điều này!. Có như vậy mới là thương mình, thương người!. Dù biết nói thì rất dễ, còn thực hành là một vấn thiết thực nên chúng ta phải cố gắng thực tập dần thôi.

Tự nương tựa chính mình; không nương tựa chấp trước, ước muốn hay bám víu điều gì; chứ có dễ duôi, hãy tinh tấn hành trì Tứ niệm xứ. Đó là những lời dạy cuối cùng của Đức Thế Tôn.

 [...] 

Bức thư viết vội gởi đến Cô. Còn nhiều chuyện muốn chia sẻ nhưng vì vị trí và phạm hạnh của con hiện tại nên không tiện và không đủ tư cách để nói ra. Nhiều điều chúng ta biết nhưng khi chưa thực hiện được thì rất khó nói ra vì thân giáo lúc nào cũng quan trọng và hiệu quả hơn thuyết giáo. Mong Cô tự nhận ra vậy! Đó là một sự thực nghiệm của bản thân mình, như vậy mới tự cảm nhận được. Hãy nhớ rằng những lời này là từ tâm của con hướng đến Cô bằng sự yêu thương và tôn trọng thật sự. Mong Cô hãy nghiêm túc suy nghiệm và nhận ra sự thật. Đừng vội bác bỏ vì không hợp với định kiến của Cô. Chúng ta thực tập giáo pháp là phá bỏ định kiến-khái niệm để nhìn thấy và biết được sự thật. Hẹn dịp sau, sẽ nói những điều quan trọng hơn trong việc thực tập giáo pháp. Đặc biệt, con sẽ nói về pháp môn mà Cô đang tu tập.

 Không nguyện gặp lại (dù rất muốn gặp, nhưng con không muốn vì tình cảm mà tạo ra sự sai lầm trong con, trong việc thực tập giáo pháp) nhưng nguyện hiểu và nhớ về Cô với tâm từ.

 Nụ cười và thái độ - sự quan tâm của Cô đối với con khi xưa khiến con cảm thấy ấm lòng và bình an. Hôm nay, nhớ lại mà con vẫn cảm thấy xúc động mà rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc khi xưa. Dù là hoàn cảnh như thế nào vẫn phải tươi cười và thái độ đó nhé Cô. Nụ cười giúp ta gắn kết với mọi người, khiến ta thân thiện hơn - dễ thương hơn. Mặc dù con là người ít cười nhưng khi tiếp xúc với mọi người con đều cười nhiều hơn là nói!. Cô biết mà, phải không?. Hãy giữ một thái độ thân thiện và nhớ rằng: "Chỉ có Cô dễ thương và đáng thương, không có ai đáng ghét cả". Cô nhé!. Cả tên lẫn pháp danh của Cô rất đẹp. Hy vọng Cô sống đúng như cái tên của Cô. Đừng vì những chuyện không đáng mà cư xử không phù hợp với mọi người!.

Kính chúc Cô bình an và trí tuệ với tình thương đa hướng.


Ngày 12 tháng 02 năm 2017
 Với tâm từ, Thiện Đăng kính gửi Cô Út.

Thơ khuyến tu của Hòa thượng Hộ Tông (VANSARAKKHITA MAHĀTHERA)
Đường trần sao lắm cuộc bi ai
Thế sự khác nào chốn chông gai
Mịt mịt hơi sầu vòng gác tía
Mù mù gió thảm vẻ cân đai
Trăm lo nghìn liệu gây oan trái
Năm mỏi tháng mòn vướng nghiệp tai
Đầy đủ phước hồng rồi cũng bỏ
Tội trường oan trái khổ liền tay.
Cửa Phật tháng ngày chẳng thảm ai
Thiền môn nào phải chốn chông gai
Thanh sơn đâu quản khanh cùng tướng
Tịnh thất nào hay mão với đai
Muôn thưở an vui hành Bát Chánh
Kiếp trần thong thả lánh tam tai
Nên chăng hỡi khách công hầu gẫm
Duyên kết Niết-bàn được rảnh tay.

#tđ_hungthuantu
  

Đây là một Blog cá nhân. Vui lòng không thay đổi nội dung khi chia sẻ. Cảm ơn

Chia sẻ:

Cư sĩ Thiện Đăng


Tự biết mình là một sự khám phá thú vị hơn bất kỳ kiếm tìm nào khác. Không hiểu biết chính mình thì dù kiến thức có rộng đến đâu cũng vô ích thôi, huống chi bỏ phí thời gian đuổi theo những vọng tưởng để rồi tuyệt vọng.